Chứng sâu răng sớm ở trẻ

Một hiện tượng xuất hiện rất phổ biến ở trẻ chính là sâu răng sớm, nó chiếm tỷ lệ 30 – 50% ở các nước phát triển và đến 70% ở các nước đang phát triển. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vậy nên, việc phòng ngừa sâu răng sớm cho trẻ sẽ giúp tránh được các vấn đề về răng miệng sau này.

Cơ chế gây bệnh

Sự hình thành sâu răng phụ thuộc vào các axít hữu cơ được tạo ra từ sự lên men của các carbohydrate trong thức ăn do vi khuẩn làm giảm độ pH ở các mảng bám răng và tạo ra những chỗ bị mất khoáng. Sâu răng ban đầu có dạng các điểm trắng đục trên men răng và các lỗ sâu răng sẽ xuất hiện khi tình trạng mất khoáng tiến triển mạnh.

Nhóm các vi khuẩn atreptococcus mutans có liên quan đến sự hình thành sâu răng. Các vi khuẩn này có khả năng bám dính vào men răng, tạo ra nhiều chất axít và sống ở môi trường pH thấp. Khi men răng bị thủng lỗ, các loại vi khuẩn khác (các lactobacillus) sẽ sinh sôi ở răng, tạo ra môi trường axít và thúc đẩy hóa trình mất khoáng. Sự mất khoáng do axít được tạo ra từ vi khuẩn phụ thuộc vào số lần tiêu thụ và loại carbohydrate có trong thức ăn.

Sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các tổn thương nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường; nhưng các tổn thương lớn thường có biểu hiện là lỗ thủng ở bề mặt nhai. Vị trí sâu răng thường gặp là ở mặt bên (mặt tiếp xúc giữa các răng) và rất nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng mà thôi. Các tổn thương do sâu răng biểu hiện ở bề mặt trơn láng (mặt ngoài và mặt trong) thường chỉ gặp ở trẻ bị sâu nhiều răng nghiêm trọng.

Sâu răng sớm ở trẻ (early childhood caries – ECC) rất phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện sớm trước 12 tháng tuổi. Các đối tượng có nguy cơ bị ECC bao gồm những trẻ thường xuyên ăn chất đường (thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường, bánh snack), trẻ có nhiều người thân như cha mẹ hay các anh chị em ruột bị sâu răng, hay trẻ có dị dạng ở răng.

Các biến chứng

Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ khiến cho răng sâu bị hủy hoại toàn bộ và tủy răng cũng bị tổn thương, dẫn đến viêm tủy gây đau, nhức. Viêm tủy răng có thể tiến triển đến hoại tử, vi khuẩn xâm lấn xương ổ răng và gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng vùng mặt.

Điều trị

Tùy theo độ tuổi của trẻ khi bị sâu răng mà có phương pháp điều trị riêng. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường ít hợp tác trong quá trình điều trị răng, đòi hỏi phải có các dụng cụ hỗ trợ như: kìm giữa trẻ, gây tê hay gây mê trong lúc trám răng, Sau 4 tuổi, trẻ bắt đầu có khả năng hợp tác hơn với việc chữa răng và với thuốc gây tê tại chỗ.

Điều trị răng có sử dụng amangam bạc, vật liệu trám composite hay mão toàn diện có thể giúp giữ lại được các răng sâu. Nếu tổn thương lan đến tủy răng, cần lấy một phần tủy răng hay lấy toàn bộ tủy răng hay lấy toàn bộ tủy răng rồi sau đó mới trám răng bị sâu. Nếu phải nhổ răng sâu, khoảng trống sau nhổ răng cần được giữ vệ sinh tốt để ngăn sâu răng lan sang các răng còn lại.

Tình trạng nhiễm trùng răng còn khu trú trong xương ổ có thể được xử lý bằng các biện pháp tại chỗ (nhổ răng, lấy toàn bộ tủy răng). Kháng sinh đường uống được chỉ định cho các trường hợp nhiễm trùng răng viêm mô tế bào, sưng mặt hoặc trong trường hợp không thể gây tê răng vì có viêm. Penicilin là kháng sinh được chọn ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có tiền căn dị ứng với thuốc này, khi đó có thể thay thế bằng clindamycin hay erythromycin. Các thuốc giảm đau dạng uống như inuprofer thường có khả năng kiểm soát cơn đau tốt hơn. Nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng và đe dọa đến sức khỏe của trẻ thì bạn cần dùng đến các kháng sinh đường tiêm.

Phòng ngừa

Biện pháp phòng chống sâu răng hiệu quả nhất là cho fluor tối ưu vào nước sinh hoạt hàng ngày với nồng độ 1ppm. Trẻ em sống ở vùng mà nguồn nước thiếu fluor có nguy cơ sấu răng cao hơn nên cần được dùng bổ trợ chất fluor. Để tránh trường hợp dùng quá liều fluor cần thiết, bác sĩ không kê đơn thuốc fluor với số lượng quá 120mg. Biểu hiện cấp tính của quá liều fluor (cao hơn 5mg/kg) cần được xử trí khẩn cấp. Dùng các dạng fluor bôi ngoài (do bác sĩ chỉ định) có lợi cho các bệnh nhi cso nguy cơ bị sâu răng.

Vệ sinh răng miệng

Đánh răng hàng ngày, nhất là với kem đánh răng có fluor, sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng. Đa số trẻ em dưới 8 tuổi không chịu đánh răng đúng theo quy định. Do vậy, các bậc cha mẹ cần giám sát trẻ làm vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách để tránh sâu răng.

Chế độ ăn uống

Giảm ăn các thực phẩm chứa các chất có đường sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng. Vì vậy, không nên cho trẻ dùng các thức uống ngọt, hay dùng chất ngọt vào ban đêm; đối với trẻ có nguy cơ bị sâu răng cao cần tránh dùng các loại bánh snack vào giữa các bữa ăn.

Trám bít hố rãnh

Trám bít hố rãnh răng bằng resin được ghi nhận là có hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng ở các răng cối sữa và răng cối vĩnh viễn. Trám bít hố rãnh có hiệu quả nhất khi các răng vừa mọc (trẻ 1 – 2 tuổi) và cho các trường hợp răng cối có khe sâu hay rãnh sâu. Tập cho trẻ đánh răng

Bạn có thể giúp trẻ tập đánh răng vào độ tuổi này bằng những cách đơn giản như:

– Chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách, dẫn chúng đi siêu thị tự mình chọn những chiếc bàn chải trẻ em xinh xinh, đày màu sắc.

– Làm mẫu và giải thích cho trẻ, đánh răng không hề gây đau mà trái lại, điều này sẽ giúp răng sạch sẽ và thơm tho hơn, để cười xinh mỗi khi soi gương cùng mẹ.

– Mua những loại kem đánh răng có mùi vị để trẻ không có cảm giác cay và sợ thuốc đánh răng.

– Cho trẻ xem những băng hình có cảnh các bạn cùng trang lứa khác đang đánh răng để trẻ bắt chước.

– Chọn mua ở các nhà sách hoặc các trung tâm nha khoa những bức hình về răng miệng để giúp trẻ tìm hiểu thế nào là răng sâu, răng hỏng, thế nào quy trình đánh răng đúng cách?

– Tâm lý của trẻ là rất thích… đua đòi. Vì thế, trong những ngày đầu tiên, hãy tập trung vài bé cùng một lúc để thực hành những bài học về răng miệng. Chúng sẽ bắt chước và ganh đua với nhau trong quá trình học tập. Và từ đó, chúng sẽ bớt đi cảm giác nhàm chán, sợ sệt. Cha mẹ phải bình tĩnh chứ không nên quát tháo, la mắng trẻ. Điều này chỉ làm chúng sợ thêm mà thôi. Động viên con hoặc bày ra những trò chơi trong quá trình cùng trẻ tập đánh răng sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú mỗi ngày.

Nguồn: hanhphucgiadinh